GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC SỚM MONTESSORI

Phương pháp giáo dục Montessori, được phát triển bởi Tiến sĩ Maria Montessori – một nhà giáo dục vĩ đại người Italia. Là phương pháp khuyến khích trẻ phát huy tính tự lập, khơi dậy niềm vui học tập, sáng tạo và thử thách; háo hức khám phá và tự giải quyết vấn đề; tính kỷ luật và sự tự tin mạnh mẽ, giúp cho trẻ định hình những thói quen, tính cách tốt để trở thành con người đúng mực.

Các nhà giáo dục người Đức đã nói về nhà giáo dục Montessori như sau: “Chỉ có duy nhất phương pháp giáo dục Montessori có thể vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến trên thế giới.” Hiện nay có trên 100.000 trường Montessori trên toàn thế giới, nhiều vĩ nhân, nhà khoa học, chính trị gia… theo học phương pháp này ở thời kỳ đầu.

Sở dĩ phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là do bà dựa trên cơ sở đúc kết những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, Froebel để hình thành quan điểm về trẻ em mang tính cách mạng của riêng mình. Bà cho rằng, từ khi sinh ra trẻ em đã có một “sức sống nội tại” rất tích cực và không ngừng phát triển. Nó mang trong mình sức mạnh vô biên. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được “sức sống nội tại” đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng.

Bà cho rằng, không nên đối xử với trẻ em như thể chúng là một vật thể, mà nên đối xử với chúng như con người. Trẻ em không phải cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ em không phải là sáp hoặc bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải tấm gỗ có thể khắc gì lên trên cũng được, không phải cái cây để cha mẹ và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải loài vật được nuôi dưỡng. Trẻ em là người có sức sống, năng động, hoạt bát và luôn phát triển. Các nhà giáo dục, thầy cô giáo và cha mẹ nên quan sát và nghiên cứu trẻ em thật kỹ lưỡng, tìm hiểu thế giới nội tâm của chúng, phát hiện “bí mật thời thơ ấu”, phải yêu thương trẻ em, tôn trọng tính cách của chúng, giúp trí não, tinh thần, thân thể và tính cách của trẻ phát triển tự nhiên.

Sự hình thành các năng lực cơ bản ở trẻ em trong những năm đầu đời cực kỳ quan trọng – không đơn thuần là học tập về kiến thức, mà còn là khả năng tập trung, tính kiên trì, khả năng tự suy nghĩ cũng như khả năng tương tác tốt với mọi người. Nếu được hỗ trợ đúng cách trong những năm phát triển định hình này, trẻ em sẽ trở thành những người lớn tự mình có động lực ham học hỏi, có tư duy linh hoạt và sáng tạo, không chỉ ý thức được nhu cầu của người khác mà còn tích cực thúc đẩy sự hài hòa trong cuộc sống.

Phương pháp này dành cho các bé muốn được học trong những môi trường phù hợp với nhu cầu bản thân. Các trẻ em có nhu cầu đặc biệt cũng sẽ có được sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những trẻ với chứng rối loạn thiếu tập trung hoặc có những vấn đề về tâm lý cũng như các khả năng nhận biết khác. Những ưu điểm này có được dựa trên sự quan tâm đến từng cá thể của các giáo viên hướng dẫn.

Trong lớp học Chương trình Montessori tập trung vào 5 điểm:

Thực hành cuộc sống – Trẻ được học cách tự chăm sóc, phục vụ bản thân, bảo vệ môi trường như thắt dây giày, mặc áo khoác, tự chuẩn bị đồ ăn uống đơn giản, tự đi vệ sinh và có thể dọn dẹp sau khi dây bẩn. Trẻ học độc lập, tập trung và sử dụng tốt kỹ năng vận động. Trẻ được học cách sử dụng nhà bếp, rửa chén, lau chùi và làm sạch một vật nào đó. Tất cả những kỹ năng ấy của trẻ được thực hiện thông qua nhiều loại nguyên vật liệu và các hoạt động khác nhau. Đối với ba năm đầu tiên của cuộc sống, trẻ tiếp nhận một cảm giác trật tự trong các môi trường hoạt động của chúng. Trẻ say sưa tìm hiểu cách thức hành động theo một cách nhất định. Trẻ 3-6 tuổi đang học cả hai cách là xây dựng và làm theo cách của bản thân để khám phá, tìm hiểu, và trau chuốt những điều mà trẻ đã biết.

Giáo dục nâng cao nhận thức giác quan 

Tất cả các bài học đầu tiên thông qua các giác quan. Bằng cách tách riêng mọi thứ để dạy, trẻ có thể dễ dàng tập trung hơn vào nó. Có rất nhiều học cụ khác nhau được thiết kế để giúp đỡ trẻ phát triển năm giác quan như xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Và những bài luyện tập giúp trẻ sử dụng toàn bộ 5 giác quan để hoàn thành.

Nghệ thuật ngôn ngữ

Trẻ được khuyến khích để thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ và được dạy để nhận ra mặt chữ cũng như một bước tiền thân của kỹ năng đọc, đánh vần, sử dụng ngữ pháp và kỹ năng viết chữ.  Ngôn ngữ được giới thiệu với việc sử dụng các âm thanh. Trẻ được khuyến khích thể hiện, bày tỏ bản thân mình bằng lời.

Toán học và hình học

Các biểu tượng về toán học được giới thiệu cho trẻ thông qua số lượng và các tài liệu cụ thể. Chuẩn bị cho trẻ khả năng làm việc với các hệ thống thập phân, hình học và thiết lập các mẫu phân tích tư duy. Ngoài ra, trẻ còn được học đếm số và các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, số thập phân và hình học. Trẻ em sẽ được học về những con số bằng những kỹ thuật trên bàn tay và sử dụng những đồ vật cụ thể.

Những chủ đề về văn hóa 

Trẻ được tìm hiểu lịch sử và địa lý cũng như về những dân tộc và các nền văn hóa khác nhau trên thế giới cùng với tìm hiểu động vật, thời gian, lịch sử, âm nhạc, chuyển động, khoa học và kỹ thuật. Trẻ sớm đạt được sự hiểu biết về các khái niệm như lục địa, quốc gia, tên các quốc gia trên thế giới thông qua việc học với các bản đồ màu cùng với các dữ kiện, hình ảnh về quốc gia đó.

* Ngoài ra áp dụng trên các mặt lĩnh vực:

Thể chất và khoa học xã hội:

Giới thiệu cho trẻ về các sự vật, hiện tượng ở thế giới xung quanh bằng cách tận dụng những điều kiện tự nhiên sẵn có.

Nghệ thuật, âm nhạc và phong trào:

Đây là những hoạt động lồng ghép vào các hoạt động học có tác dụng kích thích việc sáng tạo của trẻ. Trẻ em phát triển sáng tạo theo ý của chúng và sử dụng tốt các kỹ năng, vận động, nhận thức, sự cân bằng và nhịp điệu.

Tất cả các môn học được gắn với nhau theo một cách khoa học để có thể bổ sung cho nhau. Những món đồ chơi và những học cụ khác được đặt khắp nơi trong phòng học để bé có thể thấy được những lựa chọn của mình sau đó chọn một bài tập tùy thuộc vào sự yêu thích của bản thân:

– Trẻ tự chọn khu vực học và theo đuổi hứng thú của mình đến khi trẻ muốn đổi qua hoạt động khác.

– Trẻ chủ động trong các hoạt động và làm chủ tình hình.

– Học cụ và môi trường xung quanh giữ vai trò quan trọng trong quá trình trẻ lĩnh hội kiến thức.

– Trẻ học qua thử nghiệm với học cụ.

– Trẻ lặp lại các hoạt động với học cụ cho đến khi nắm bắt được kiến thức.

– Trẻ làm chủ môi trường và chủ động trong việc học. Qua đó chuẩn bị trẻ tự lập và tự khám phá, tự sửa sai.

Việc thực hiện bài tập cũng rất đa dạng với những quyển sách, trò chơi giải đố, hình ảnh nghệ thuật, đồ chơi trí tuệ. Phát triển chương trình dạy dựa trên khả năng lĩnh hội của trẻ. Giáo viên thiết kế bài học linh hoạt và đa dạng theo trình độ riêng của từng trẻ. Khi hoàn thành xong bài tập của mình, bé sẽ tự đặt những vật dụng về vị trí cũ trên các kệ xung quanh và tiếp tục với những bài tập khác. Thời khóa biểu hằng ngày dành rất nhiều thời gian để bé có thể tự chơi một mình hoặc chơi cùng nhóm bạn. Những người hướng dẫn sẽ cùng chơi với bé trong nhóm hoặc một kèm một. Thậm chí ngay cả khi chơi cùng một nhóm trẻ thì phần lớn tương tác vẫn diễn ra giữa các bé với nhau.

Trong những lớp học áp dụng phương pháp Montessori, các giáo viên không phải là những người hướng dẫn duy nhất. Những đứa trẻ lớn hơn sẽ giúp những đứa nhỏ hơn học cách sử dụng thành thục những kỹ năng mới. Đó là lý do vì sao trong mỗi lớp thường có các trẻ em cách nhau 2-3 tuổi.

Montessori không thiết lập hệ thống thi đua nhưng vẫn đánh giá kết quả học tập của trẻ qua các kỹ năng, kỷ xảo của mỗi cá nhân trẻ qua một thời điểm nhất định. Bên cạnh đó cũng nêu ra những hạn chế của trẻ để điều chỉnh.

* Những điểm khác biệt của phương pháp Montessori:

Trong giáo dục Montessori hoạt động của đứa trẻ được đặt trên tất cả. Giáo viên có một vai trò khác, là tạo ra đúng tình huống để trẻ có thể được hướng dẫn tự chọn những gì trẻ cần từ những gì được trao tặng. Khi đó trẻ sẽ dần dần trở nên chủ động trong học hỏi và phát huy hết tiềm năng độc nhất của mình vì trẻ đang học theo tốc độ riêng và nhịp điệu riêng, dựa trên nhu cầu phát triển riêng của từng trẻ ở thời điểm ấy.

* Đường lối giáo dục Montessori cung cấp:

– Một môi trường học đáp ưng các nhu cầu đặc trưng trong từng giai đoạn phát triển của trẻ.

– Một người lớn có hiểu biết về các giai đoạn phát triển của trẻ và đóng vai trò người hướng dẫn giúp trẻ tìm ra lộ trình tự nhiên của chính mình.

– Trẻ được quyền tự do tham gia vào quá trình phát triển của chính mình theo đúng trình tự phát triển theo thời gian của riêng bản thân.

Tự chỉnh và kiểm soát lỗi sai

Khi thiết kế học liệu cho chương trình giáo dục của mình, bác sĩ Montessori muốn trẻ em có thể hoàn thành nhiệm vụ trong khả năng của mình để đạt được sự tự chủ và độc lập. Để làm thế, Montessori đã ra các nguyên tắc đối với mỗi giáo cụ. Trẻ sẽ được học cách tự nhận ra lỗi sai và sửa chúng trong các phần giáo cụ của mình, có nghĩa là, đứa trẻ có thể nhận ra lỗi sai của mình thông qua thông tin phản hồi từ các giáo cụ. Lỗi sai được xem như một phần của quá trình học tập chứ không phải là sai lầm. Các giáo cụ cho phép trẻ em làm độc lập và học hỏi từ những sai lầm của mình, mà không bị xấu hổ hay ngượng ngùng, cảm thấy có lỗi. Việc trẻ em tự tìm thấy lỗi của mình thông qua các giáo cụ và làm chủ giáo cụ vì lợi ích riêng của chúng sẽ mang lại định hướng tự làm chủ trong trẻ em.

Trật tự và Tần suất

Phương pháp giáo dục của Montessori còn dạy cho trẻ cách biết giữ gìn những đồ vật của chung. Các giáo cụ mà trẻ ở một độ tuổi nào đó hoàn thành xong sẽ được cất gọn gàng lên giá sách, để dành cho những trẻ có độ tuổi nhỏ hơn. Điều này đòi hỏi trẻ phải tự tập cho mình tính cẩn thận, giữ gìn, bảo vệ tài sản chung. Hơn nữa, các giáo cụ cũ mà trẻ đã học qua được Montessori khuyến khích cho đọc, học lại. Điều này giúp trẻ phân biệt được từng mức độ kiến thức dung nạp vào đầu óc, cho chúng biết được mức độ khó dần trong công việc, từ đó không bị nản trước những khó khăn về sau.

Môi trường được chuẩn bị

Môi trường giáo dục của Montessori là nơi học sinh được tự do hoạt động trong một “môi trường được chuẩn bị” – được thiết kế phù hợp với đặc trưng phát triển cơ bản của con người nói chung và tính cách mỗi cá nhân nói riêng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Môi trường đó cho phép trẻ phát huy tính độc lập ở tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý bên trong trẻ. Khác nhiều so với các lớp học truyền thống, Montessori là người đầu tiên đưa vào lớp học của mình đồ nội thất với kích thước và vật liệu phù hợp trẻ em. Các tác phẩm nghệ thuật và trang trí lớp học đặt ngang tầm mắt trẻ. Việc trang trí lớp học cũng vô cùng đơn giản, hướng đến việc tạo không gian thoáng đãng cho trẻ tập trung cao. Bàn ghế được thiết kế theo độ lớn nhỏ khác nhau cho  trẻ tự học và học nhóm. Các tài liệu cũng được sắp xếp trên kệ giá vừa tầm để trẻ chủ động tìm thấy bất cứ lúc nào cần.

Thử nghiệm

Maria Montessori cho rằng, phương pháp so sánh, đánh giá nên được loại bỏ trong cách giáo dục trẻ. Không nên đặt ra điểm số, tiêu chuẩn, hoặc bất kỳ cách nào khác để so sánh chúng. “Thưởng phạt là biện pháp khuyến khích nỗ lực không tự nhiên hoặc cưỡng bức, do đó chúng ta chắc chắn không thể nói về sự phát triển tự nhiên của trẻ em nếu sử dụng chúng” (Montessori). Giáo viên trong một lớp học Montessori quan sát và đánh giá riêng từng trẻ. Những đứa trẻ không bao giờ được so sánh với bất kỳ ai ngoài chính bản thân chúng. Montessori nhấn mạnh rằng, trẻ em có nhiều cấp độ phát triển khác nhau và học tập theo tốc độ riêng của chúng. Vì thế, những biện pháp phân loại, đánh giá không bao giờ được khuyến khích và sử dụng trong các trường học Montessori, và nhiệm vụ của giáo viên là để giúp đỡ chứ không phải để phán xét.

“Đối nhân xử thế” và giải quyết xung đột

“Đối nhân xử thế” và giải quyết xung đột là những khía cạnh quan trọng khác đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy Montessori. Giáo viên dành ra một khoảng thời gian đặc biệt như nghỉ giữa giờ để dạy trẻ em về tầm quan trọng của cách cư xử và giải quyết vấn đề. Điều này cung cấp cho trẻ các kỹ năng xã hội thích hợp vào thời điểm khi chúng thực sự có thể tiếp nhận thông tin.

Thông thường một nhà giáo dục sẽ cố gắng dạy những bài học từ một sự kiện đã xảy ra, điều này càng gây khó khăn trong việc tư duy của trẻ. Thay vào đó, trẻ sẽ được tiếp cận những sự việc đang xảy ra, từ đó đưa ra cách giải quyết. Hầu hết các trường truyền thống thường để việc dạy cách đối nhân xử thế cho cha mẹ trẻ, nhưng nghiên cứu của Yarrow và cộng sự cho thấy, giáo viên chủ động giảng dạy và làm mẫu hành vi sẽ giúp trẻ hiểu và phát huy khả năng “thể hiện sự đồng cảm, nhận ra những nỗi bất hạnh của người khác, từ đó cố gắng giúp để làm giảm bớt đau khổ của cộng đồng” .

Niềm say mê học tập

Mục tiêu chính của Montessori là để nuôi dưỡng một niềm say mê học tập, khám phá cái mới trong mỗi lớp học; Giúp trẻ nhận thức được vai trò tích cực trong việc học của mình để củng cố thêm sự hào hứng tìm tòi, khám phá thế giới của trẻ. Để trẻ tiếp cận các tài liệu và làm việc với nhau sẽ giúp củng cố kinh nghiệm và khả năng học tập của chúng, cũng như tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ cộng đồng trong trẻ.

Tiến sỹ Maria Montessori là ai ?

Mont5Tiến sĩ Maria Montessori (1879 – 1952) là một nhà giáo dục người Ý đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky. Năm 1907, khi Maria Montessori 28 tuổi, bà mở trường mầm non đầu tiên của mình ở Rome và đạt được thành công rực rỡ tới mức, chỉ 5 năm sau, ở nước Mỹ phía bên kia đại dương, đã có hàng trăm trường áp dụng phương pháp này của bà.
Maria Montessori đã cống hiến cả cuộc đời bà cho sự phát triển của trẻ thơ. Bà luôn có niềm tin mãnh liệt rằng việc học là trải nghiệm suốt đời đối với trẻ và trẻ ở mọi vùng miền và mọi nền văn hóa đều phát triển theo một hướng như nhau.